Ban công là một phần trong kiến trúc của nhà ở hay các tòa nhà cao tầng có thể giúp mang lại không gian lấy ánh sáng, gió, tăng tính thẩm mỹ công trình. Tuy nhiên, khi thiết kế ban công cần nắm chắc những nguyên tắc cơ bản sau để giúp gia chủ có một công trình như ý.
Cần xác định công năng của ban công
Bạn cần tập trung vào một mục đích chính trong quá trình thiết kế ban công. Ban công có thể tận dụng làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn, trồng cây xanh. Chính vì vậy, hãy bắt đầu vào việc thiết kế và trang trí một cách nghiêm túc. Nếu là nơi trồng cây xanh, hãy tìm cách bố trí cây sao cho hợp lý và để lại một khoảng không tận hưởng vườn cây trên cao. Không nên kết hợp quá nhiều công năng đối với ban công, vì như vậy sẽ khiến cho không gian ban công bị thu hẹp và mất đi tính thẩm mỹ, tinh tế.
Thiết kế ban công phải hợp phong thủy
Phong thủy là một trong những yếu tố quan trọng khi thiết kế ban công, hướng đẹp nhất thường được lựa chọn là hướng Đông với ý nghĩa mang đến nguồn sinh khí của đất trời và hướng Nam mang đến không gian mát lành. Nên tránh ban công hướng Bắc hay hướng Tây bởi khí hậu không tốt do nắng quá hoặc gió lạnh quá ảnh hưởng sức khỏe, sinh khí của các thành viên trong gia đình. Đồng thời, tránh của ban công và cửa ra vào nhà đối thẳng nhau và cũng tránh chiếu thẳng với gian cửa bếp.
Ngoài ra, nên lựa chọn những loại cây có sức sống tốt, ít cần chăm sóc bởi ban công là nơi có ánh nắng trực tiếp gay gắt, cây xanh mát sẽ mang đến cảm giác mới mẻ, đầy sức sống, tăng vượng khí về mặt phong thủy. Bạn cũng nên tránh một số cây quá rậm rạp mà che khuất mất ban công. Đồng thời lưu ý đối với những thiết kế bồn hoa ban công, thiết kế bể cá ngoài ban công, các trang trí ban công hẹp để trồng hoa nên tính toán đến yếu tố phong thủy có hợp mệnh hay không, nên trông hoa gì, màu gì…
Đảm bảo tính an toàn
Ban công được biết là phần kiến trúc nhô ra khỏi phần tường căn nhà cao tầng phục vụ mục đích lấy thoáng…Vì thế đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là những gia đình có người già, trẻ nhỏ. Bạn cần xem xét chiều cao, khoảng cách giữa các thành lan can ban công sao cho hợp lý. Thông thường chiều cao của ban công chính là chiều cao của thành lan can và phải cao trên 1,1m trở lên, tính từ mặt sàn đến tay vịn.
Khoảng cách giữa lan can ban công không quán 10cm và tuyệt đối không nên dùng các thanh nhỏ làm thanh chắn ngang bởi nó khó có thể đảm bảo an toàn khi bị tác động bởi lực mạnh khi trẻ con leo trèo, nô đùa sẽ vô cùng nguy hiểm.
Hiện nay, đối với các công trình tòa nhà cao tầng như chung cư thì thiết kế ban công sẽ cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn của chiều cao, khoảng cách các thanh lan can. Đồng thời, ưu tiên tính toán việc kết hợp sử dụng lan can đa dạng chất liệu từ gỗ, sắt uốn, inox, kính… Bởi tùy thuộc vào từng kết cấu vật liệu và kiến trúc ban công mà tính đến các yếu tố an toàn.
Ban công có tầm nhìn rộng thoáng
Thiết kế ban công có tầm nhìn rộng mở, thoáng đãng sẽ mang đến giá trị thẩm mỹ cao cho ngôi nhà. Theo quan niệm phong thủy, tầm nhìn rộng mở, thoáng đãng sẽ mang tới nhiều điều may mắn, hút tài lộc. Hơn nữa, việc đón được nguồn ánh sáng tự nhiên sẽ giúp cho ngôi nhà khô ráo, hạn chế ẩm ướt, mang đến cảm giác dễ chịu, thoải mái cho các thành viên trong gia đình.
Đảm bảo hệ thống thoát nước tốt
Ban công là nơi tiếp xúc trực tiếp với nắng mưa và trồng nhiều loại cây xanh khác nhau vậy nên cần bố trí hệ thống thoát nước tốt. Nếu không sẽ gây ra tình trạng ẩm thấp, ứ đọng khiến cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Đồng nhất với kiến trúc ngôi nhà
Tùy vào phong cách kiến trúc chung của ngôi nhà mà lựa chọn mẫu ban công sao cho phù hợp. Ví dụ công trình của bạn được thiết kế theo phong cách hiện đại thì nên ưu tiên những hình khối vuông vắn, góc cạnh, hạn chế chi tiết trang trí cầu kỳ, tốn kém. Ban công theo phong cách hiện đại có thể sử dụng chất liệu sắt, gỗ, inox hay kính cường lực đều rất phù hợp. Lan can ban công theo phong cách hiện đại thường sẽ tối giản, nhẹ nhàng tạo nên cảm giác sang trọng, thanh thoát nhưng vô cùng cuốn hút.
Nếu nhà ở của bạn thiết kế theo phong cách châu Âu hay tân cổ điển thì ban công thường sẽ có hình dạng cong và trang trí họa tiết, hoa văn, phào chỉ, lan can rất cầu kỳ.
Nguồn: Báo Xây dựng